Chăm sóc bé sơ sinh 1 tuần tuổi như thế nào đúng cách?

Chăm sóc bé sơ sinh 1 tuần tuổi như thế nào đúng cách?
Bé 1 tuần tuổi có gì thay đổi so với khi mới chào đời? Các bậc cha mẹ hãy sẵn sàng dành mọi sự chăm sóc yêu thương cho trẻ để trẻ luôn được phát triển đúng cách. Vậy cách chăm sóc trẻ 1 tuần tuổi như thế nào là đúng phương pháp?
    Bé một tuần tuổi vẫn dành phần lớn thời gian để ngủ. Tuy nhiên, vào một số thời điểm trong ngày, bé sẽ thức giấc và làm quen với thế giới xung quanh. Lúc này, bạn nên tìm cách trò chuyện hoặc hát cho bé. Bé cũng rất thích thú khi được nhìn vào khuôn mặt mẹ hoặc những đồ vật có màu sắc tươi sáng. Nhiều bé đặc biệt nhạy cảm với những thứ mới lạ xung quanh thông qua thính giác và thị giác.

    Lúc quấy khóc, chân tay bé thường giãy đạp không ngừng kèm theo dấu hiệu mặt từ từ đỏ lên. Một số bé lại có phản ứng dữ dội như thể đang bị đau. Tuy vậy, hiện tượng quấy khóc hoàn toàn là bản năng tự nhiên của các bé nên nếu không có triệu chứng nào bất thường, bạn cũng không cần lo lắng.

    Một số bà mẹ lo sợ vì tần suất trung tiện của bé rất nhiều đồng nghĩa với những bất ổn về sức khỏe của bé. Nếu bạn cảm thấy bất an, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ kỹ càng. Nhiều bé có dấu hiệu thở khò khè trước mỗi lần đi tiêu hoặc trung tiện.

Giấc ngủ của bé sơ sinh 1 tuần tuổi

     Các chuyên gia cho rằng, sự tăng trưởng ở bé sơ sinh phần nhiều đạt được thông qua giấc ngủ và bú sữa. Bé ngủ nhiều giấc ngắn cả đêm lẫn ngày là hoàn toàn bình thường; bởi vì, giấc ngủ ở bé sẽ bước vào chu kỳ ổn định hơn bắt đầu từ tháng thứ tư.

    Nhiều cha mẹ rất khó khăn trong việc chọn lựa để bé ngủ ở cũi riêng hoặc chung giường cùng người lớn. Điều này phụ thuộc vào điều kiện và văn hóa gia đình. Mục đích của cách ngủ nào cũng nên đảm bảo độ an toàn tối đa cho bé.

trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Khi bé ngủ ở cũi riêng


- Đệm kê cho bé phải vừa vặn và đủ diện tích.

- Bạn nên tránh những chiếc gối hoặc chăn to, nặng dành cho bé.

- Bạn không cần thiết phải trang trí bất kỳ vật dụng hoặc đồ chơi nào xung quanh thành cũi.

Khi bé ngủ chung giường

- Bạn không nên cho bé sử dụng chung đệm nước hoặc chăn (đệm) điện của người lớn.

- Bé không được dùng chung chăn, gối với cha mẹ.

- Giường nên kê sát với tường và cho bé nằm phía trong để tránh bé bị rơi ra ngoài.

- Bạn nên tránh ôm bé ngủ trên ghế sofa, salon hoặc bất kỳ chiếc ghế dài nào trong nhà.

- Bạn không được cho bé ngủ chung giường với những thành viên hút thuốc, uống rượu…

Cho bé ăn

Việc cho bé bú mẹ hoàn toàn, vừa bú bình vừa bú mẹ hoặc bú bình hoàn toàn dựa vào quyết định trên sức khỏe và tình trạng sữa của mẹ. Các bác sĩ cho rằng, sau 1-2 ngày đầu sữa chưa xuống, đến những ngày tiếp theo, khi có sữa, bạn nên tăng cường cho bé bú mẹ. Thời gian và tần suất bú phụ thuộc vào nhu cầu của bé.

Nhiều bà mẹ thú vị khi phát hiện thấy bé cũng bị nấc giống như người lớn. Thực ra, ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, bé đã xuất hiện tình trạng này. Nấc là hiện tượng tự nhiên nên nó cũng tự biến mất trong một khoảng thời gian ngắn, bạn không cần quá lo lắng.

Bé cũng thường đi tiêu (hoặc tiểu) liên tục, có thể là ngay sau mỗi cữ bú. Bởi vì sữa chứa rất nhiều nước nên hiện tượng đi tiêu (hoặc tiểu) liên tục không đồng nghĩa với việc bé bị tiêu chảy.

Mặc quần áo cho bé

Giai đoạn này, chân và tay bé có biểu hiện xanh xao và hơi tái. Nguyên nhân chính là do hệ thống tuần hoàn của bé chưa hoàn thiện chứ không phải là do bé quá lạnh. Để nhận biết bé có lạnh hay không, bạn có thể sờ mu bàn tay mình vào gáy bé hoặc cặp nhiệt độ cho bé.

Với tiết trời lạnh, bạn có thể mặc quần áo ấm, đội mũ đồng thời không quên quấn thêm chiếc khăn mỏng bên ngoài khi cho bé bú. Nếu trời ấm hơn, bạn có thể cởi bỏ mũ hoặc tháo chăn quấn bên ngoài cho bé. Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra để thay tã cho bé phòng trường hợp bé bị nhiễm lạnh.
Chăm sóc bé yêu 1 tuần tuổi

Ở khoảng cách quá 20 – 25cm, trẻ sơ sinh không thể nhìn rõ các vật, vậy nên bé chỉ có thể nhìn rõ gương mặt bạn khi bạn ẵm bé lên gần. Đừng lo nếu lúc đầu bé không nhìn thẳng vào mắt bạn vì khi này, bé sơ sinh có khuynh hướng hay nhìn vào lông mày, đường chân tóc và miệng bạn khi bạn trò chuyện. Tuy nhiên trong vòng tháng đầu tiên, khi đã nhận biết được bạn rồi, bé sẽ thích giao tiếp bằng mắt với bạn nhiều hơn.

Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với ánh sáng và có thể nhìn nhận 3 chiều. Bạn để ý sẽ thấy bé chớp mắt khi bạn đưa 1 món đồ lại gần mắt bé.

Các nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinhthích nhìn gương mặt hơn các hình thù hay màu sắc. Những vật chuyển động, có màu sáng, độ tương phản cao như trắng và đen rất hấp dẫn với bé nhưng vẫn không thể bằng khuôn mặt của bạn đâu. Bạn hãy ẵm con lên gần để cho bé có cơ hội nhìn và nhận ra các đặc điểm riêng của gương mặt bạn. Khi bạn hay chồng/vợ bạn cho bé uống sữa, bạn có thể chầm chậm nghiêng đầu qua trái qua phải để xem bé có nhìn theo không. Bài tập này giúp luyện cơ mắt cho bé. (Đừng lo lắng nếu mắt con có vẻ bị lác (lé). Điều này là bình thường với mắt trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên hay sau đó một chút.)

Cũng ngay từ bây giờ, bằng trực giác, bé sơ sinh đã có thể nhận diện khuôn mặt cũng như những cử chỉ, thậm chí đôi khi còn có thể bắt chước theo. Hãy thử kề mặt bạn lại gần mặt bé, và làm một số cử chỉ như thè lưỡi hay nhướng mày lên vài lần rồi chờ xem bé có bắt chước không.

Ngay cả khi con bạn chưa bắt chước lại thì thật ra bé vẫn đang rất chú ý và học hỏi. Nếu bạn tương tác với con và bé không có vẻ phản ứng gì cả thì cũng đừng lo lắng. Có thể bé đang buồn ngủ hoặc đang choáng ngợp trước nhiều thứ mới lạ và cần nghỉ ngơi đấy thôi.

Vấn đề cân nặng của trẻ

Nếu cho con bú sữa mẹ, bạn có thể băn khoăn không biết bé đã bú đủ hay chưa vì dường như lúc nào cũng thấy bé có vẻ đói bụng cả. Có thể lắm, vì sau khi bú xong khoảng 2-3 tiếng là bé đã “tiêu hóa” xong số sữa đó rồi.

Một số dấu hiệu để nhận biết bé đã bú đủ: Sau khi cho bé bú, bạn sẽ có cảm giác như sữa được rút cạn, ngực mình nhẹ hơn; da bé có màu sắc tươi tắn và khi bạn thử ấn nhẹ da bé bạn sẽ cảm nhận sự đàn hồi của da (da sẽ không đàn hồi nếu bị thiếu nước); bé phát triển cả cân nặng và chiều dài; bạn có thể nghe thấy tiếng bé nuốt khi bú mẹ (trong không gian yên tĩnh); bé đi phân vàng hoặc phân đen đều đặn và một ngày tè ướt tối thiểu 5 đến 6 cái tã giấy (hoặc 8 đến 9 cái tã vải).

Dù bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức thì cũng nên nhớ rằng mỗi đứa trẻ có một tốc độ tăng trưởng khác nhau, và sẽ có một vài khoảng thời gian bé tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, nếu lúc chào đời con đã nặng ký sẵn thì tốc độ tăng trưởng của bé sẽ chậm hơn một chút để đạt cân nặng và kích thước phù hợp với độ tuổi.

Nếu bé tăng trưởng đúng chuẩn, nhìn khỏe mạnh và vui vẻ thì thường là bé đang phát triển tốt. Nhưng nếu đi khám định kỳ mà bác sĩ nói bé tăng trưởng có vấn đề thì có thể bé đã bú không đủ, cơ thể bé không hấp thu đủ dinh dưỡng hoặc chuyển hóa dinh dưỡng có vấn đề.

Vài ngày đầu sau khi sinh, bé sẽ đi ngoài ra phân su (phân đặc và có màu xanh đậm) – đó là một chất có trong ruột của bé từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Khi bé bắt đầu bú sữa, phân su sẽ dần hết và chuyển sang màu vàng, nhưng màu sắc của phân có thể thay đổi từng ngày tùy vào loại thực phẩm mà mẹ ăn vào nếu bé bú mẹ hoặc tùy vào lượng và loại sữa công thức mà bé được uống, cũng như tùy thuộc vào việc bé có được cung cấp đủ nước thông qua lượng sữa bú vào hay không.

Một ngày trẻ sơ sinh có thể đi ngoài từ 8 đến 12 lần, và cũng có thể chỉ một lần. Phân của trẻ bú mẹ sẽ mềm hơn trẻ bú sữa công thức, có thể nhìn giống như bị tiêu chảy vậy.

Cho con nằm sấp

Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, và để tránh nguy cơ bị đột tử trong lúc ngủ, tư thế ngủ an toàn nhất là nằm ngửa. Tuy nhiên khi bé thức – càng về sau thời gian thức của bé càng nhiều hơn – bạn cần cho bé nằm sấp. Bé cần được nằm sấp mỗi ngày để cổ cứng cáp hơn. Vậy bạn hãy bắt đầu cho bé làm quen với tư thế này ngay bây giờ, nếu không, để thêm một thời gian nữa thì bé có thể sẽ không chịu đâu.

Cuộc sống của bạn: Những phiền toái khi cho con bú

Khoảng từ 2 đến 4 ngày sau khi sinh, sữa của bạn mới về, làm ngực căng lên và có thể gây đau nhức. Sữa tiết ra trước đó được gọi là sữa non, rất tốt cho bé. Sự thay đổi quan trọng này đôi khi lại gây ra một tác dụng không mong muốn cho các bà mẹ trẻ: Bạn có thể cảm thấy hơi hơi, hoặc khá khó chịu. Vì sao? Cơ thể bạn đang thúc đẩy các tuyến sữa tạo ra và vận chuyển sữa đến tập trung ở vú, trong khi bạn vẫn chưa quen với cảm giác bé mút vú mẹ, chưa kể nồng độ hormone sụt giảm rất nhiều sau khi sinh.

Ngực bạn có thể nhạy cảm, đau và nóng, có thể còn bị sưng và nhức nữa. Nhưng đừng vì đau mà nghĩ rằng mình không thể cho con bú nhé, tình trạng này sẽ biến mất khi cơ thể bạn đã quen dần. Trong khi chờ đợi bạn có thể tham khảo một vài cách giảm đau sau đây:

Tắm nước nóng

Dùng khăn ngâm vào nước nóng, vắt khô rồi đắp lên ngực trước khi cho bú
Nặn bớt một ít sữa ra trước khi cho bé bú. Ngực căng quá làm bé khó ngậm vú mẹ đúng tư thế, bé sẽ phải cố nhiều hơn để bú được sữa và sẽ càng làm cho bạn đau hơn.
Mặc loại áo ngực đặc biệt dành cho các bà mẹ con bú. Có nhiều người mặc cả lúc đi ngủ.
Cho bé bú đều đặn mỗi 2 hoặc 3 giờ. Càng cho bé bú thường xuyên, ngực bạn sẽ đỡ đau hơn.
Uống nhiều nước để cơ thể bạn không bị thiếu nước và giúp duy trì nguồn sữa.

Thay phiên cho bé bú cả 2 bên.
Đắp khăn lạnh lên ngực sau khi cho bé bú.